Sáng ngày 28/8/2024, Trường Tiểu học Gia Thụy đã tổ chức tập huấn chuyên đề “Xây dựng trường học hạnh phúc” cho CBGVNV toàn trường.
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Lê Văn Hảo, Nguyên Phó Viện trưởng Viện tâm lí học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia cố vấn chương trình “ Cha mẹ thay đổi” VTV7 - báo cáo viên của buổi tập huấn đã trực tiếp chia sẻ với các thầy cô về những kiến thức, kỹ năng xây dựng trường học hạnh phúc, hướng tới một trường học hạnh phúc, mỗi thầy giáo, cô giáo cần hiểu được tâm lí lứa tuổi học sinh và vận dụng được các phương pháp giáo dục hiệu quả nhằm giúp đỡ học sinh gặp khó khăn trong học tập hoặc có những thay đổi về tâm sinh lí trong quá trình phát triển, trưởng thành.
Nội dung tập huấn thứ nhất: "Tại sao trẻ "hư" và một số biện pháp kỷ luật tích cực". Bằng những câu chuyện thực tế đã tư vấn trong suốt 30 năm kinh nghiệm của bản thân, PGS.TS Lê Văn Hảo đã tạo nên một không khí cởi mở, tràn đầy tinh thần sẻ chia, học hỏi giữa các thầy cô tham gia buổi tập huấn. Trong buổi tập huấn, báo cáo viên đã tạo cơ hội cho các thầy cô chia sẻ về những trải nghiệm của bản thân trong quá trình giáo dục học sinh, đặc biệt là khi phải đối diện với học sinh có hành vi chưa tốt, tiêu cực, mang tính chống đối nhằm tạo sự chú ý. Từ những chia sẻ của thầy cô, báo cáo viên đi sâu xác định mục đích, nguyên nhân của những hành vi không tốt ấy, qua đó đúc kết những phương pháp kỉ luật tích cực hiệu quả. Theo ông, không có trẻ/học sinh hư, miễn có sự kết nối ấm áp và chuyển hóa, có thể giúp học sinh thay đổi dựa trên điểm mạnh và tích cực. Sau mỗi hành vi "hư" thường là nhu cầu chưa được đáp ứng. Hành vi "hư" thực chất là một cách giao tiếp. Hành vi “hư” là gửi cho mình một thông điệp: Xin hãy chú ý đến con, hãy kết nối với con một cách hữu ích. Nếu mục đích là thể hiện quyền lực tức là truyền thông điệp: Hãy để con/em tự làm/tự lựa chọn. Nếu là trả đũa tức là "con/em bị tổn thương. Hãy thấu hiểu và xác nhận cảm của con. Thể hiện sự không phù hợp, né tránh, tức là trẻ muốn truyền tải thông điệp: Đừng mất lòng tin vào con/em. Hãy giải thích và hướng dẫn cho con cách làm". Vậy làm thế nào để giúp đứa trẻ này? Chúng ta cần thay đổi góc nhìn để thấy một phần thực tế khác. Khi gặp một hành vi ở nhà hay ở trường, thay vì phản ứng, ta có thể đặt ra 5, 7 vấn đề. Mắc lỗi là một phần trong quá trình phát triển của trẻ, là cơ hội để học hỏi và phát triển. Từ hành vi đầu tiên, việc lần sau trẻ có hành động ra sao phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của người lớn. Từ đó, thầy Hảo chia sẻ về câu chuyện: “Lời nói và những vết đinh”, bài học rút ra là: Mỗi người đều cần phải biết giữ bình tĩnh vì những điều mình thốt ra trong cơn giận dữ sẽ để lại trong lòng người khác những vết thương khó lành lại được.
Nội dung tập huấn thứ 2: Nói sao cho trẻ chịu nghe và nghe sao cho trẻ chịu nói. Từ những tình huống và các giải pháp được các nhóm đưa ra, chuyên gia lắng nghe, phân tích sâu hơn, chỉ ra tính đúng sai của vấn đề và bổ sung thêm những yếu tố mang tính khoa học, khách quan và hiệu quả nhất. Ngoài ra, từ những trải nghiệm thực tế của giáo viên nhân viên nhà trường, thầy Hảo đã phân tích, chỉ ra rằng trong mọi tình huống, suy nghĩ mới chính là nguyên nhân dẫn đến đến tâm trạng.
Buổi tập huấn thực sự rất hữu ích và thiết thực, để lại nhiều bài học quý giá, tạo thêm động lực để các thầy cô giáo Tiểu học Gia Thuỵ tin rằng: Mỗi thầy cô thay đổi sẽ giúp cho nhiều thế hệ học sinh thay đổi và chính thầy cô cũng hạnh phúc. Hi vọng rằng, những kinh nghiệm được chuyên gia chia sẻ sẽ là hành trang vững chắc giúp giáo viên hiểu học sinh của mình hơn, từ đó quan tâm, chia sẻ, lắng nghe, giúp các em vượt qua những khó khăn, để đối với học sinh, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi tập huấn: