Cuốn sách: Kể chuyện Tết Nguyên đán
I. Thời gian giới thiệu: Giờ chào cờ ngày 6 – 01 - 2020
II. Người giới thiệu: Cô giáo Nguyễn Phương Linh
III Đối tượng nghe: Học sinh và giáo viên toàn trường.
IV. Địa điểm giới thiệu: Sân trường TH Gia Thụy
V. Hình thức giới thiệu: Đọc trước toàn trường
Bảng tin phòng thư viện
VI. Thông tin thư mục: Kể chuyện Tết Nguyên đán/ Lời: Trương Quý, Tranh: Kim Duẩn.-H.: Kim Đồng, 2019.-40 tr.;tranh màu; 26 x 18 cm.
VII. Mục đích giới thiệu: Giới thiệu tới học sinh cuốn sách về các phong tục trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, yêu các giá trị văn hóa của đất nước.
VII. Nội dung:
Các con học sinh yêu quý!
Các chuẩn bị đón một một mùa xuân mới một cái Tết đầm ấm và vui vẻ bên gia đình phải không nào. Đúng vậy, Tết Canh Tý đang đến rất gần rồi các con ạ. Hôm nay, trong không khí mùa xuân ấm áp, cô giới thiệu tới các con một cuốn sách vô cùng ý nghĩa đó là cuốn sách “Kể chuyện Tết Nguyên Đán”
Cuốn sách dày 40 trang, với khổ giấy nhỏ gọn 26 x 18cm được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tháng 1 năm 2020 để chuẩn bị sách ngày hội sách Xuân này đấy các con ạ.
Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền, hay chỉ đơn giản gọi là Tết) là ngày lễ cổ truyền lớn và là dịp vui tưng bừng, rộn rã của cả dân tộc. Đây cũng là Tết đoàn viên của mọi nhà. Mỗi khi năm hết Tết đến, người Việt mình dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu cũng mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, được đón giao thừa ấm áp cùng người thân….
Nào, mời các con cùng ngắm nhìn bìa sách. Trong bức tranh vẽ hai nhân vật mặc áo dài truyền thống cô bé tay cầm cành đào, cậu bé cầm bánh chưng xanh, quanh đó là cây cối xanh tươi bên cạnh nồi bánh chưng đang tỏa nghi ngút khói. Tất cả đều toát lên phong vị Tết cổ truyền của dân tộc. Nổi bật trên bìa màu hồng là dòng chữ vàng mềm mại “Kể chuyện Tết Nguyên Đán”. Bây giờ, cô và các con cùng mở cuốn sách này để nghe những câu chuyện thú vị về phong tục ngày Tết nhé!
Ở trang đầu tiên, tác giả giải thích cho chúng ta tiếng “Tết” nghĩa là gì? “Tiếng Tết do chữ “Tiết” (Chữ Hán) mà ra, nguyên là đầu tiên, đán là buổi sớm. Nhưng “Tiết” có liên quan đến “Thời tiết” hay “Tiết học” không? À có đấy. Ngày xưa, các nước Á Đông ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa cổ đại dùng một hệ thống lịch phức tạp, trong đó một năm chia làm hai mươi tư tiết khí, đại để chúng ta cũng có lúc nghe thấy những từ bí hiểm như lập xuân, xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí hay đại hàn phải không? Từ “tiết” này để chỉ những khoảng thời gian tương đương nhau và tiết học của chúng mình cũng mang ý nghĩa như vậy. Tết Nguyên Đán liên quan đến chuyển động của Mặt trăng lẫn Mặt trời, là ngày đầu tiên của tuần trăng mới, tức tháng Giêng hay tháng Dần. Ngày đầu năm mới được xem như cột mốc thời gian muôn vật trong thiên nhiên đâm chồi nảy lộc, sinh sôi nảy nở”
Những trang tiếp theo cuốn sách được chia làm ba phần:
- Phần 1: Những ngày giáp Tết: Sẽ có lễ cúng Ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng chạp âm lịch. Tác giả cũng giải thích cho bạn đọc cặn kẽ sự tích Táo Quân, chúng ta cúng ông táo vào ngày nào và vì sao lại có tục thả 3 con cá chép vào ngày cúng ông Công ông Táo;
Những ngày giáo Tết bạn sẽ tất bật đi chợ hoa, gói bánh chưng, dựng cây nêu, chuẩn bị mâm ngũ quả, dọn nhà, làm cổ… Nếu đi chợ Hoa thì ở Hà Nội sẽ đi chợ nào, ở đâu, ở thành phố Hồ Chí Minh chợ hoa nào nổi tiếng các con hãy tìm đọc trang 7 của cuốn sách. Ở trang 8 và 9,10 các con sẽ tìm hiểu tục lệ gói bánh chưng ở miền Bắc và bánh Tét ở miền Nam, tục dựng cây nêu, sự tích cây nêu các con nhé.
- Phần 2: Tục lễ ngày Tết.
Một trong những phút long trọng của ngày tết đó là thời khắc giao thừa. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch, tiễn đưa vị thần coi việc nhân gian của năm cũ, nghênh đón vị thần năm mới. Gia chủ bày một mâm cỗ nhỏ ở sân nhà hoặc nơi hướng ra ngoài trời, trên có bày những lá sớ hay hay đồ lễ theo phong tục dân gian để cầu khấn những điều tốt đẹp cho gia đình trong năm mới. Các con hãy lật trang 16 – 24 để tìm hiểu các phong tục tốt đẹp trong ngày Tết nhé.
- Phần 3: Lễ hội. Tác giả đề cập đến các lễ hội của cả ba miền đất nước. Các con sẽ chìm đắm trong không gian của các lễ hội mùa xuân như hội Gò Đống Đa, Hội Cổ Loa, Hội Chùa Hương, lễ hội tịch điền Đọi Sơn(Lý Nhân, Hà Nam), chợ Viềng và Phủ Giầy, hội bài chòi Hội An(miền Trung), hay nghệ thuật múa lân rồng ở miền Nam….
Cuốn sách được tác giả Trương Quý viết lời trong sáng và nhẹ nhàng, trải dài 40 trang sách là sắc màu văn hóa ngày Tết cổ truyền của đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó cuốn sách còn được vẽ minh họa rất sống động nhiều màu sắc giúp thỏa mãn trí tò mò của bạn đọc.
Ngoài cuốn sách này các con có thể đọc cuốn sách hay về tết như “Tết xưa thơ bé”, “nhớ ơi là Tết” ở thư viện nhà trường nhé. Thư viện nhà trường luôn mở cửa chào đón các con.