Các con học sinh yêu quý, ai trong chúng ta cũng đều lớn lên trong vòng tay của mẹ, cùng những lời ru của bà. Từ bé chúng ta được bà và mẹ chăm bẵm, bà, mẹ cũng là người để lại trong chúng ta nhiều kí ức đẹp về tuổi thơ. Trong tháng 3 này, tháng tôn vinh những người phụ nữ - những người bà và mẹ mà các con yêu quý. Và hôm nay, cô giới thiệu với các con một cuốn sách ý nghĩa với tháng 3 đó là cuốn sách “Bà ngoại yêu dấu”.
Cuốn sách do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành, dày 40 trang, với kích thước xinh xắn 24 x 20 cm. Tác giả cuốn sách là tác giả Phương Tố Trân một nhà văn thiếu nhi của Trung Quốc rất giàu kinh nghiệm, bà bắt đầu sáng tác cho thiếu nhi từ năm 1975. Bà viết văn, thơ, vẽ tranh, dịch sách cho thiếu nhi, bà còn biên soạn giáo trình ngữ văn và đào tạo các cây viết mới. Nhiều năm qua các ấn phẩm của bà phủ khắp Trung Quốc, Hồng Công, Singapore, Malaysia, độc giả lớn bé thường gọi yêu bà là “Người gieo mầm đọc sách”
Cuốn sách là một câu chuyện ngắn nhẹ nhàng, kể về chuyến đi thăm bà ngoại của cô bé Lạc cùng với mẹ. Bà ngoại sống một mình ở làng Thơm xa ngái. Một buổi sáng nọ, mẹ bảo đưa Lạc về thăm bà ngoại. Lạc hớn hở lôi cái ba lô nhỏ: “Hay quá mẹ à! Con được đi tàu hỏa mẹ nhỉ! Con đem máy xúc cho bà nhé!”. Khi về đến nhà bà Lạc hí hửng bấm chuông để khoe với bà ngoại chiếc máy xúc nhưng bà ngoại đang bị ốm nằm nghỉ trên giường. Trong lúc mẹ đi chuẩn bị đồ ăn Lạc đứng ngắm bà, theo dõi tiếng ho “khụ, khụ” của bà, rồi bà muốn uống nước bé đã bảo mẹ lấy nước đem cho bà uống. Đến giờ bà uống thuốc Lạc ngoan ngoãn đứng chờ bà há miệng ra rồi đút từng viên thuốc nhỏ vào miệng bà. Bà thèm được sưởi nắng, bạn dìu bà ra sân, rồi hai bà cháu cùng chơi trò kéo cưa lừa xẻ với cây chua me. Bà kể “Mẹ của Lạc hồi nhỏ mê nhất là chơi kéo co chua me đất, hễ mẹ con thua là khóc tu tu”. Bà kể cho Lạc nghe về những năm tháng tuổi thơ của mẹ, kể về bức ảnh của ông ngoại và mẹ Lạc ở trên tường. Không ngờ đó là lần cuối cùng Lạc được gặp bà. Mẹ bảo rằng “Bà đã rời khỏi làng Thơm, bà chuyển lên trời rồi”. Lạc là một cô bé tình cảm, Lạc biết mẹ nhớ bà nên an ủi mẹ “Mẹ đừng khóc nữa! Bà đi lên trời uống trà chiều với mẹ của bà đấy mà”. Thời gian trôi đi, Lạc không còn nhớ được bà ngoại đã đi xa bao lâu rồi. Nhưng mỗi lần đi dạo với mẹ dưới hoàng hôn vàng sâm, Lạc lại cười bảo mẹ: “Mẹ kìa, ngoại đang rán trứng trên trời rồi!” Rồi khi mặt trăng treo trên bầu trời, Lạc cũng cười híp mắt bảo mẹ: “Mẹ nhìn xem, ngoại bật đèn rồi! Nơi ngoại ở cũng đang là buổi tối”. Lạc luôn nhớ tới bà trong các hoạt động, như trời mưa Lạc nghĩ bà đang giặt quần áo, Lạc thầm bảo “Bà ngoại à, đừng giặt áo nữa”.
Nhờ sự động viên của Lạc mà mẹ không khóc nữa, mẹ dịu dàng ôm lấy Lạc: “Ừm, mẹ nghĩ đúng là bà ngoại chuyển đến một cái làng Thơm khác thật rồi. Bà cũng rửa bát, giặt quần áo, uống trà chiều như xưa, phải không con”. Vậy là trong lòng hai mẹ con, bà ngoại đã chuyển đến một nơi khác, bà vẫn sinh hoạt như khi bà ở làng Thơm và trong lòng bà luôn nghĩ đến hai mẹ con Lạc.
Đi kèm theo mỗi trang viết là một trang tranh để minh họa cho sự việc đang được diễn ra. Giọng văn nhẹ nhàng, trong sáng, dạt dào tình cảm. Qua từng trang sách, ta thấy tình cảm của Lạc dành cho bà ngày một sâu đậm hơn, và ta thấy hơi thở cuộc sống qua những tranh vô cùng chân thực.
Cô hi vọng, qua cuốn sách này, các con sẽ thêm yêu quý bà của mình hơn. Hãy ghi nhớ những kí ức đẹp về bà của mình các con nhé! Hãy tìm đọc cuốn sách tại thư viện nhà trường, thư viện luôn mở cửa chào đón các con. Tạm biệt và hẹn gặp lại các con trong buổi giới thiệu sách lần sau.