Chủ điểm: Tiếp bước cha anh
Cuốn sách: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa
I. Thời gian giới thiệu: Giờ chào cờ ngày 3 – 12 - 2018
II. Người giới thiệu: Cô giáo Trần Lệ Hằng
III Đối tượng nghe: Học sinh và giáo viên toàn trường.
IV. Địa điểm giới thiệu: Sân trường TH Gia Thụy
V. Hình thức giới thiệu: Đọc trước toàn trường
Bảng tin phòng thư viện
VI. Thông tin thư mục: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa/ Nguyễn Xuân Thủy.- H.: Kim Đồng, 2014.- 90 tr.; tranh vẽ; 21 cm.
VII. Mục đích giới thiệu: Giới thiệu tới độc giả về quẩn đảo Trường Sa, vùng biển – đảo xa xôi nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Để các em thêm yêu biển đảo, một phần thiêng liêng của Tổ quốc.
VII. Nội dung:
Các con học sinh yêu quý!
Hẳn các con đã ít nhất một lần được nghe tên gọi Trường Sa. Trường Sa – nhắc đến hai tiếng ấy, ai trong mỗi con người Việt Nam chúng ta đều không khỏi thấy xúc động và tự hào.
Trường Sa – mảnh đất thiêng liêng, một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Trường Sa – nơi đầu sóng ngọn gió – xa xôi cách trở đất liền gần 500 hải lí. Cuộc sống và thiên nhiên nơi đây vừa quyến rũ, vừa khắc nghiệt và còn rất nhiều điều bí ẩn mà các con chưa từng được biết tới.
Các con có từng mong ước được đặt chân lên Trường Sa không?... Các con ạ, vượt qua hành trình 7 đến 10 ngày lênh đênh trên biển để đến với Trường Sa thật không hề đơn giản chút nào. Nhưng một điều bất cứ ai trong số chúng mình ngồi đây đều có thể làm được là: khám phá Trường Sa qua những trang viết của chú Nguyễn Xuân Thủy – một người lính đã từng có những năm tháng sống và làm việc tại Trường Sa. Chú Nguyễn Xuân Thủy đã viết cuốn sách: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa cũng chính với mong muốn giúp chúng mình được thưởng ngoạn, khám phá những bí ẩn của mảnh đất xa xôi của Tổ quốc. Trong buổi giới thiệu sách tháng 12 này, cô xin giới thiệu với các con cuốn sách: Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa.
Nào mời các con hãy cùng cô tham gia hành trình đến với Trường Sa qua những trang viết giản dị của chú Xuân Thủy nhé!
Các con ạ, Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 9 năm 2014. Đây là một cuốn sách nhỏ, giản dị và cô đọng với 90 trang viết, không nhiều nhưng có thể nói đây là một bức tranh toàn cảnh khá đầy đủ về Trường Sa. Sách được in trên khổ giấy 14,5 x 20,5 cm. Trang bìa được thiết kế trang nhã với những gam màu mang hơi thở đại dương, và nổi bật là hình ảnh một ngọn hải đăng sừng sững, hiên ngang giữa phong ba. Tên tác phẩm cũng mang màu xanh biển giản dị, trầm lắng. Tiếp đó là lời giới thiệu của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Lật giở từng trang sách là từng bước các con theo hành trình từ đất liền ra đảo. Với 6 phần của cuốn sách, chú Nguyễn Xuân Thủy sẽ song hành với chúng mình từ lúc lên tàu đến khi chúng mình được khám phá những bí ẩn của thiên nhiên và cuộc sống nơi đây.
Trong hành trình Ra đảo, tác giả giúp chúng mình làm quen với bến cảng, tàu, neo, các chú thủy thủ… rồi tới việc ăn, ngủ, câu cá… trên tàu. Các con có biết việc đi tàu ra đảo gian truân thế nào không? Bao nhiêu là khó khăn, vất vả đấy, cả việc ăn lẫn việc ngủ kia…. Chú Xuân Thủy không quên kể cho độc giả về trạng thái say sóng khi đi tàu và say đất khi đã đặt chân lên đất liền. Đó là trạng thái mà ai cũng trải qua khi lênh đênh trên những con sóng. Bên cạnh nỗi ám ảnh về say sóng thì khi đi trên tàu, chúng mình còn được thưởng thức nhiều điều vô cùng thú vị. Đó là hình ảnh những cánh chim hải âu giỡn sóng, là cá heo – người bạn thân thiết của người đi biển, là cá chuồn bay, là câu mực giữa đại dương… Thật thú vị biết bao! Và sau hơn một tuần trên biển, ai cũng sẽ reo vui: “A, đảo kia rồi!”
Trong những phần tiếp theo của cuốn sách, chú Xuân Thủy kể về mùa biển lặng và mùa biển động của Trường Sa. Nếu mùa biển lặng thích hợp với những người lãng mạn, ưa nhẹ nhàng thì ngược lại những ai ưa mạo hiểm, phiêu lưu lại thích mùa biển động với sóng gió, phong ba, bão táp, với những khắc nghiệt, thử thách của thiên nhiên. Độc giả sẽ vô cùng ngạc nhiên và cũng vô cùng khâm phục những con người, những chiến sĩ Trường Sa khi hiểu thêm về điều kiện sống của họ. Thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu thực phẩm tươi sống… thiếu thốn rất nhiều, nhưng người chiến sĩ Trường Sa vẫn vững vàng như cây phong ba, cây bão táp trước sóng gió. Người chiến sĩ vẫn trụ vững trên đảo chìm, đảo nổi, trên nhà giàn.
…Nắng pha lê trong vắt. Mặt trời tháng tư hiền dịu, nắng chỉ đủ làm mơn man da thịt, làm xốn xang lòng người. Gió cũng chỉ nhè nhẹ đủ lay những lộc non mới nhú và rập rờn đuôi mũ hải quân của chú bộ đội… Biển lặng đấy, thân thiện đến lạ kì thế đấy! Nhưng rồi mùa biển động thì sao? Sóng bạc đầu, gió muối, …và kéo theo những nỗi buồn: sóng gầm gào, bầu trời xám xịt, sũng nước…
Thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng biển trời Trường Sa lại luôn chứa đựng những điều kì diệu. Hãy giở tới trang 52 của cuốn sách, các con sẽ được khám phá những kì thú của biển trời Trường Sa. Đó là những sắc màu lung linh, huyền ảo của biển, của cầu vồng, của mây ngũ sắc, là vẻ hào quang, thanh khiết của bình minh trên biển hay nét đằm thắm, man mác buồn của chiều hoàng hôn… Đó là sự dữ dội, kinh hoàng của vòi rồng trên biển. Đó là nắng, mưa, gió, bão chỉ trong vài giờ… Tất cả, tất cả bấy nhiêu thứ làm nên nét riêng biệt của thiên nhiên Trường Sa…
Chưa hết, với phần 5 của cuốn sách, tác giả còn đưa chúng ta tới hành trình Thám hiểm đáy biển Trường Sa. Nào hãy cùng các chú bộ đội hải quân đi biển, chúng mình sẽ được chiêm ngưỡng thế giới dưới nước với muôn vàn loài cá phong phú, đa dạng, đủ sắc màu, đủ hình dạng. Cá bơi như tấm thảm hoa di động. Nào là cá bò – còn gọi là bò tót biển - với sừng nhọn, cá cháp với hàm răng sắc, cá cóc với thân mình phồng đầy gai như nhím xù lông… hay tôm cụ, ốc nón, ốc trinh nữ, sò ngâm, ốc thụt… Toàn đặc sản của biển Trường Sa đấy.
Và cuối cùng, điều mà tác giả không thể không nói đến đó là: Những người giữ đảo. Phần 6 của cuốn sách sẽ đưa chúng ta đến với các chú bộ đội Trường Sa: bộ đội không quân, phòng không, bộ binh, pháo binh, trực đèn biển hay cảnh sát biển… Nhiệm vụ của các chú là canh giữ đảo, đảm bảo an toàn cho đảo. Những người chiến sĩ đã chịu sự hi sinh thầm lặng, chịu đựng gian khổ, khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng họ vẫn đứng vững trên mảnh đất xa xôi của Tổ Quốc. Họ là những người con của biển, họ hi sinh thân mình để bảo vệ từng hạt cát, từng viên sỏi cho Trường Sa.Và có những người lính ra đảo làm nhiệm vụ đã mãi mãi không trở về…
Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa
Mảnh đất thiêng liêng của nước ta
Trường Sa – xa mà gần lắm nhé!
Bởi trong tim mỗi người dân Việt
Luôn khắc khoải nỗi nhớ - Trường Sa!
Các con yêu quý!
Còn rất nhiều, rất nhiều điều bí ẩn thú vị mà tác giả mang đến cho chúng ta qua những trang viết. Còn cả lời nhắn nhủ của tác giả gửi tới chúng mình ở trang cuối cùng của tập sách đấy! Các con hãy tự tìm đọc và khám phá nhé! ….
Các con ạ, tủ sách Em yêu văn học của Thư viện trường Tiểu học Gia Thụy còn có rất nhiều cuốn sách hay đang chờ đợi các con – những độc giả vô cùng yêu quý của cô. Cô xin chào và tạm biệt các con trong buổi giới thiệu sách lần sau.