Sớm cuối tuần đầu đông Hà Nội đẹp như một bức tranh muôn màu không tựa. Đằng Tây bầu trời xám xịt, người người ùn ùn chạy mưa, trốn gió. Đằng Đông, ánh hừng chênh chếch nóc nhà cao. Tôi không vồn vã mà tự thưởng cho mình những giây phút thảnh thơi đến lạ. Tôi chậm rãi lái xe về con đường nhỏ nơi tuổi thơ tôi ngày hai buổi đạp xe, cắp sách đến trường. Tôi hít hà hương thơm của mùa mới, con gió mát rượi đầu mùa dù lướt qua da cũng đủ làm ai đó như tôi nổi da gà. Bất giác tôi quên hết mọi âm thanh xe cộ đang diễn ra trước mắt. Tiếng chuông vang lên từ ngôi chùa cổ nơi tuổi thơ gắn bó khiến tôi cảm thấy lòng mình thanh tịnh lạ thường.
Ngôi chùa nằm ngay giữa làng Thượng Thanh của tôi ngày xưa, nay là phường Thượng Thanh – Quận Long Biên – Hà Nội. Khuôn viên chùa ngày nay không quá rộng nhưng theo dòng lịch sử, ngôi chùa cũng đã xuất hiện cách đây cả nghìn năm. Bên trong chùa được trang trí rất thẩm mĩ, tỉ mỉ và khoa học. Tất cả vừa trang nghiêm, vừa ấm áp, thân thiện như chính tính cách của sư cô trụ trì chùa.
Vào đầu năm 2016, nhờ có cơ duyên tôi mới tìm lên chùa và được gặp sư cô. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp sư cô là sự phúc hậu, hiền dịu hiện lên trên khuôn mặt tròn, nước da trắng và cặp kính bác học. Với giọng nói nhẹ nhàng, đầy trìu mến người đã hướng dẫn tôi cẩn thận làm việc cần làm. Sư cô vô cùng thân thiện và chân thành. Cũng kể từ đó mà tôi đã được chứng kiến, được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng trân quý của người.
Ngoài công việc tu tập của sư cô tại chùa, sư cô còn là người rất năng động. Người thường tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo. Đặc biệt, người rất quan tâm đến thiếu niên, nhi đồng – những mầm non tương lai của đất nước. Hàng năm, cứ đến hẹn lại lên hai lần, sư cô lại tổ chức những khóa tu cho trẻ để các em được học làm người, được thấu hiểu đạo lý và biết cách đối nhân xử thế. Vì vậy, người luôn được các em nhỏ thương yêu.
Bên cạnh việc giáo hóa, thầy còn quan tâm sâu sắc đến các em về giá trị tinh thần thông qua việc tổ chức ngày Tết Trung Thu cho những trẻ em nghèo tại nơi thầy trụ trì. Dành tặng những suất học bổng, những phần quà khích lệ, động viên để các em tự tin vươn lên trong học tập.
Không chỉ có vậy, cứ định kì hàng tháng, sư cô lại cùng các phật tử của mình nấu cơm làm từ thiện cho các bệnh nhân bệnh viện K, bệnh viện Nhi và nhiều bệnh viện khác. Nhìn hình ảnh sư cô cần mẫn, cẩn thận sắp từng hộp cơm, gói ghém cẩn thận mà tôi vô cùng xúc động. Bởi phát tâm làm từ thiện đã là khó, trân quý những món đồ mình chuyển đến cho người nghèo còn trân quý gấp nhiều lần.
Có thể ai đó khi đọc bài viết này của tôi sẽ cười thầm rằng: chỉ có như này thôi mà cũng tự huyễn khen thầy. Nhưng không ạ, với tôi làm từ thiện không phải xô bồ, treo băng rôn, khẩu hiệu, chiêng khua, trống đánh hô hào mà có những người cứ âm thầm như thế ấy. Bởi họ biết, đích đến của những việc mình làm, không mất quá nhiều tiền bạc nhưng mở khóa tu chính là thầy đang cứu cho bao nhiêu đứa trẻ lầm lạc trong suy nghĩ và lối sống trở về là chính mình; sư cô vất vả tổ chức Trung Thu cho trẻ em nghèo là để bù đắp cho các em những thiệt thòi, thiếu thốn; lặng lẽ góp nhặt, kêu gọi ủng hộ để các bệnh nhân có những bữa ăn chan chứa tình người và người cứ âm thầm đi khắp nơi trên mọi miền của tổ quốc để xây những viên gạch đẹp cho đời.
Tôi cũng đã từng đến viện huyết học hiến máu, phát quà cho các em nhỏ cùng chúng bạn. Tôi cũng đã từng tham gia khá nhiều hoạt động nghĩa tình nhưng có lẽ chừng ấy vẫn còn là quá nhỏ bé cho cái thế giới muồn vàn điều khó khăn, bao la rộng lớn này. Để nói về những người hảo tâm thì nhiều lắm, nhiều vô kể tấm lòng trân quý. Nhưng mỗi người có một cách để giúp đỡ mọi người khác nhau. Giản dị, không màu mè, sư cô đã mang ước mơ đến với rất nhiều người. Với tôi, sư cô như một người thầy để một lần nữa giúp tôi ngộ ra rằng: việc tốt khởi từ tâm, hãy quan tâm chia sẻ chúng ta sẽ thấy cuộc đời thật tươi đẹp.