Sáng ngày 4/12/2018, trường Tiểu học Gia Thụy đã tổ chức buổi tham quan di tích lịch sử địa phương cho em học sinh khối 3 tại Cụm di tích đình chùa Lệ Mật và đình cổ Thanh Am. Hơn 400 học sinh tiêu biểu khối 3 và đại diện Ban giám hiệu, giáo viên của trường đã tham dự.
Trước tiên, các em được tới thăm Chùa Cổ Giao Tự - Lệ Mật. Đây là một ngôi chùa rất cổ kính. Chùa rộng khoảng 2,8 ha, là nơi thờ đức Hoàng Hà. Đến nơi đây các em được cảm nhận không gian thanh tịnh, được tìm hiểu nét đặc sắc trong tín ngưỡng của người dân Long Biên. Rời khỏi chùa, các em được dẫn tới miếu chùa. Nơi đây, có một hồ sen nhỏ với những nụ sen e ấp chuẩn bị nở rộ. Đây là nơi thờ vua Lý và công chúa. Nơi đây, một số hiện vật quý còn được lưu giữ: 2 bộ tam thể, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, 54 bức tượng, giếng nước gần đền thờ công chúa. Tương truyền rằng, ngôi miếu gắn liền với cây đa cổ thụ, một nửa cây trùm lên mái chùa, trải qua hàng năm giếng nước vẫn không bao giờ cạn.
Rời ngôi chùa Lệ Mật cổ kính, các em đến với đình làng Thanh Am. Nói về nguồn gốc cái tên của làng Thanh Am thì xa xưa, vào khoảng thế kỉ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm làm quan cho vua Mạc, đi qua Thanh Am (xưa gọi là Hoa Am), do chữ Hoa trùng với tên mẹ vua tự trị nên thay bằng chữ Thanh. Đến bây giờ đã đổi thành 4 tổ dân phố, không là thôn làng như trước nữa. Hiện nay, đất của làng đã được lấy làm nhà ở Khu đô thị Việt Hưng nên người dân chủ yếu chuyển từ nghề nông sang các nghề nghiệp khác.
Đình cổ Thanh Am là nơi thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Người xưa kể lại rằng, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm qua vùng đất Thanh Am, ông đã làm rất nhiều việc cho làng. Khi ông mất, để thể hiện sự tôn kính, nhân dân đã tôn ông làm Thành hoàng làng và lập đền thờ ông. Năm 1990, đình được công nhận Di tích lịch sử. Hiện nay, đình là nơi tổ chức các lễ hội vào 2 ngày mùng 9, 10 tháng Giêng. Lễ hội có tục đi lấy nước ở thánh ở sông Đuống rồi có hai cụ khiêng về để trong hậu cung. Các trò chơi dân gian được tổ chức trong lễ hội như: kéo co, bắt vịt…
Buổi tham quan, học tập lịch sử địa phương đã lôi cuốn được sự thích thú, tìm hiểu của các em học sinh. Đặc biệt, chuyến đi đã giúp các em hiểu được di tích lịch sử - văn hóa ở địa phương được hình thành từ quá trình lao động cần cù, sáng tạo kết hợp với trí tuệ của cha ông là biểu hiện cụ thể về một nền văn hóa truyền thống mang tính bản địa sâu sắc. Bên cạnh đó, di tích lịch sử - văn hóa ở phường Gia Thụy là chứng cứ quan trọng, không chỉ giúp các em hiểu biết về quá trình hình thành, phát triển của quê hương mà còn là biểu tượng rất đỗi tự hào trên quê hương. Ngoài ra, buổi sinh hoạt ngoại khóa giúp các em có ý thức bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời thấy được trách nhiệm to lớn của mình đối với việc bảo vệ các di tích danh thắng của quận Long Biên.
Một số hình ảnh trong buổi tham quan: