!important; Trong nhiều năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục không còn là điều mới lạ mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mỗi tiết học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động của học sinh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh không thể đến trường thì vai trò của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục lại càng trở nên cần thiết, quan trọng hơn bao giờ hết. Đó phải chăng là chìa khóa để ngành giáo dục tháo gỡ khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ kép: bảo đảm an toàn cho học sinh, duy trì dạy tốt, học tốt?
Quả thực trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, học tập trực tuyến cũng đã không còn xa lạ nhưng chỉ đóng vai trò là hình thức học bổ trợ và học tập trực tiếp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khi nhiều nơi không thể học tập trực tiếp do dịch bệnh thì dạy học trực tuyến lại trờ thành hình thức chủ đạo và duy nhất để duy trì việc học tập. Điều này mang đến cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người, với mọi lứa tuổi. Thời gian học tập linh hoạt, chủ động, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, chương trình học tập không bị gián đoạn… Đó là những lợi ích rất lớn mà học tập trực tuyến mang lại. Ngoài ra có rất nhiều công cụ hay hỗ trợ giáo viên thiết kế tài liệu, xây dựng bài dạy. Đây được xem là cơ hội phát triển nghề nghiệp chuyên môn rất tốt cho đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, thực tế, để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả thì cũng có thật nhiều khó khăn đối với mỗi nhà trường, giáo viên và học sinh. Đó là khó khăn về điều kiện, cơ sơ vật chất như thiếu thiết bị học tập, giảng dạy, đường truyền internet không ổn định. Đó là khó khăn trong việc phải nhanh chóng tiếp cận với những phần mềm mới phục vụ dạy học trực tuyến, điều mà không phải giáo viên nào cũng thích ứng nhanh chóng. Đánh giá kết quả học tập của học sinh sao cho công bằng, khách quan cũng là một vấn đề không dễ giải quyết. Đặc biệt với các trường tiểu học, đối tượng học sinh nhỏ tuổi, còn thiếu nhiều kĩ năng học tập, cần nhiều sự trợ giúp từ PHHS thì việc dạy học trực tuyến càng là một thử thách.
Mỗi nhà trường đều đã, đang và sẽ có những giải pháp riêng nhằm khắc phục khó khăn để đạt hiệu quả giảng dạy cao nhất như: giáo viên phối hợp chặt chẽ với PHHS trong việc hỗ trợ học sinh học tập, kết hợp hình thức dạy học online, offline (gửi video bài giảng, giao bài tập trực tuyến…), nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho giáo viên... Bên cạnh đó, cũng rất mong sự quan tâm, động viên, giúp đỡ, tư vấn của các cấp lãnh đạo đối với các nhà trường, các thầy cô giáo trong giai đoạn khó khăn này với mục đích là hoàn thành mọi nhiệm vụ mà ngành giáo dục giao phó với kết quả cao nhất.